Tìm Hiểu Năm Mão Trong Văn Hóa Nhật Bản
Con thỏ - Usagi (兎/ うさぎ) được tôn sùng như một vị thần, đồng thời là biểu tượng của sự may mắn và khả năng sinh sản trong văn hóa Nhật Bản. Không hiếm gặp những câu chuyện cổ tích về loài thỏ như: “Inaba no Shiro Usagi” (Thỏ trắng của Inaba) hay “Tsuki no Usagi” (Thỏ mặt trăng) với hình ảnh chú thỏ đang giã bánh dày mochi vào đêm Trung thu.
Tiếp sau năm Nhâm Dần, năm Quý Mão 2023 lại sắp sửa đến gần. Trong tháng cuối cùng của năm 2022, các tượng gốm, thiệp năm mới Nengajo và lịch năm 2023 lấy chủ đề những chú thỏ - con giáp đại diện cho Mão trong văn hóa Nhật Bản - đã xuất hiện khắp mọi nơi. Cùng điểm qua nhiều điều thú vị về thỏ và năm Mão tại xứ sở hoa anh đào nhé!
Truyền thuyết về loài thỏ tại Nhật Bản
Thỏ (兎 – Usagi) rất phổ biến tại Nhật Bản, bao gồm cả những giống thỏ nhập khẩu. Ngoài ra, tại Nhật cũng có đa dạng các giống thỏ hoang dã phân bố ở Honshu, Shikoku, Kyushu, vùng núi ở Hokkaido, cùng với thỏ Pika sống các đảo phía Bắc. Đáng chú ý nhất là giống thỏ Amami, loài đặc hữu chỉ được tìm thấy ở các đảo phía Nam như Amami Oshima và Tokunoshima, được gọi là “hóa thạch sống” bởi tương đồng với giống thỏ cổ đại từng sinh trưởng ở châu Á.
Một trong những truyền thuyết về thỏ nổi tiếng ở xứ sở mặt trời mọc có thể kể đến là “Hare no Inaba”, tạm dịch “Thỏ rừng của vùng Inaba”, là câu chuyện về thỏ đầu tiên được ghi chép trong Kojiki (Cổ sự ký) và vẫn được dạy ở các trường học Nhật Bản đến tận ngày nay.
Ảnh: Nippon
Theo truyền thuyết, một chú thỏ rừng đã lừa những con cá mập xếp thành hàng dài trên biển để nó có thể băng qua bờ bên kia. Tuy nhiên, khi đến gần bờ, chú thỏ chế giễu bầy cá mập vì đã bị gạt. Sau cùng, thỏ bị đàn cá mập xé rách toạc bộ lông.
Sau đó, thỏ đã cầu xin các vị thần đi ngang qua chỉ cho nó cách để chữa lành vết thương. Những vị thần đã bảo nó hãy rửa sạch vết thương bằng nước biển và hong khô trước gió, nhưng điều này chỉ càng làm thỏ thêm đau đớn. Duy chỉ có người em trai út của các vị thần là Ookuninushi-no-kami thật tâm chỉ nó cách làm sạch vết thương bằng nước ngọt và cuộn mình trong bụi cỏ nến.
Inaba ngày nay nằm gần thành phố Tottori, tỉnh Tottori và ngôi đền Hakuto của thành phố trở thành nơi tôn thờ truyền thuyết "Hare no Inaba". Một truyền thuyết về thỏ khác cũng nổi tiếng không kém là thỏ giã bánh giầy trên cung trăng, gắn liền với dịp Trung Thu tại Nhật Bản.
Thỏ trong 12 con giáp của Nhật Bản
Giống với Việt Nam hay Trung Quốc, 12 con giáp cũng tồn tại trong văn hóa Nhật và được gọi là “干支 – Eto” hay “十二支 – Juunishi”. Tuy nhiên, 12 con giáp của Nhật Bản có sự khác biệt so với Việt Nam, cụ thể, Sửu là con bò thay vì trâu, Mão là con thỏ thay vì mèo, Mùi là con cừu thay vì dê và Hợi là lợn rừng thay vì lợn nuôi.
12 con giáp của người Nhật tại cổng trước của đền Tenmangu ở Osaka. Ảnh: nippon.com
Theo chu kỳ 12 con giáp, năm 2023 sẽ là năm Quý Mão, tức là năm con thỏ tại Nhật. Nếu chữ Kanji dùng để chỉ thỏ trong cuộc sống hằng ngày là “兎 – Thỏ”, thì trong hệ thống Eto, nó được thể hiện bằng chữ “卯 – Mão”. Ngày được chia làm 12 giờ theo 12 con giáp thì giờ Mão rơi vào 5 giờ đến 7 giờ sáng.
Sinh vào các năm 2011, 1999, 1987, 1975, 1963, 1951, 1939, 1927, 1915, người tuổi Mão thường được cho là may mắn nhất trong 12 con giáp. Họ là những người có khả năng ăn nói lưu loát, tài năng, tham vọng, đoan chính và kín đáo. Họ cũng có gu thẩm mỹ cực tốt và thường nhận được sự ngưỡng mộ, tin tưởng của người khác.
Thành ngữ tiếng Nhật liên quan đến thỏ
Là loài vật tượng trưng cho may mắn, sung túc, biểu tượng của tham vọng và cấp tiến trong văn hóa Nhật, thỏ cũng xuất hiện trong nhiều câu thành ngữ tiếng Nhật với ý nghĩa sâu xa. Dưới đây là một số câu thành ngữ nổi bật:
“Datto no gotoshi” (脱兎のごとし): “Như thỏ chạy trốn” dùng để diễn tả một điều gì đó diễn ra chớp nhoáng. Câu thành ngữ này có nguồn gốc từ lời khuyên của chiến lược gia quân sự huyền thoại của Trung Quốc - Tôn Tử: "Lúc mới đầu binh phải như gái tơ, chờ địch hé cửa thì xông vào như thỏ chạy trốn, khiến địch không kịp chống cự."
Tranh Ukiyo-e về thỏ chạy trong tuyển tập tranh "Seiho Ju-ni Fuji" của họa sĩ Takeuchi Seiho. Ảnh: ukiyo-e.org
“Usagi ni saimon” (うさぎに祭文): "Saimon" là những lời cầu nguyện tới các vị thần nhưng nếu đi nói điều này với chú thỏ (Usagi), rõ ràng thỏ sẽ chẳng thể hiểu. Do vậy, câu thành ngữ có nghĩa là chuyện vô thưởng vô phạt, không mang lại lợi ích gì, cũng chỉ là "đàn gảy tai trâu", "nước đổ lá khoai" mà thôi.
“Usagi no fun” (うさぎの糞): Nghĩa đen của cụm từ này là phân thỏ. Câu thành ngữ dựa vào cách đi vệ sinh đặc trưng của thỏ: từng đợt ngắn, từng viên nhỏ, nên nó dùng để chỉ một hành động bị gián đoạn, không liên tục.
Nguồn bài viết: Kilala